Tọa lạc ở phía Nam thủ đô Phnom Penh, Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng là nơi cất giữ đầy đủ những chứng tích của một thời kỳ đen tối về tội ác diệt chủng của chính quyền Campuchia Dân chủ (hay Khmer đỏ) ngày trước. Mỗi một du khách khi ghé thăm nơi đây đều dấy lên những cảm xúc xót thương, xen lẫn sự kinh hoàng trước những nỗi đau mà nhân dân Campuchia phải hứng chịu. Tòa nhà 4 tầng khá lạc lõng với khung cảnh xung quanh bởi sự cũ kỹ, hoang vắng, không ánh đèn và sự im lặng đến rợn người khi chiều buông.
Toul Sleng trong tiếng Khmer được hiểu là một ngọn đồi độc dược - cái tên này chính là sự phản chiếu chính xác nhất về câu chuyện lịch sử tang thương của nó. Mới đầu, đây là một trường trung học, tuy nhiên, dưới thời Khmer đỏ, nơi này đã được dùng làm Nhà tù an ninh S21 vào năm 1975. Những phòng học trước kia bỗng trở thành những phòng giam, phòng hỏi cung, phòng tra tấn bên ngoài thì được bao quanh bởi lớp hàng rào điện. Nơi đây từng giam giữ khoảng 17000 tù nhân bị bọn Khmer kết tội phản bội. Nhà tù Toul Sleng thực sự là nỗi kinh hoàng và ám ảnh đối với người dân Campuchia cũng là nơi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bộc lộ sâu sắc nhất sự tàn bạo độc ác của mình. Do đó mà nơi đây được coi là "địa ngục trần gian".
Ngày nay, khi đến thăm Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, bạn sẽ không khỏi rùng mình với những hình ảnh và tư liệu được trưng bày nơi đây. Buồng giam được xây kín bằng gỗ, không một tia sáng len được vào, bên trong là những nạn nhân bị gông kìm bằng những sợi xích to chôn chặt vào tường. Ở đây còn tái hiện lại cảnh rút móng tay, móng chân, khoét ngực, đổ axit, đánh đập dã man cho đến chết của bọn Khmer đỏ đối với các nạn nhân xấu số. Những vết máu bắn ra vẫn còn in rõ trên nền nhà. Đặc biệt, trong bảo tàng lịch sử còn lưu giữ bức tranh bản đồ Campuchia được xếp bằng sọ người, tuy nhiên hiện không còn được trưng bày nữa do những tranh cãi quốc tế cho rằng điều đó quá tàn nhẫn đối với người mất.
Nơi đây vẫn còn lưu lại những gương mặt với những biểu cẩm: ngơ ngác, sợ hãi, căm phẫn, hận thù, cầu cứu… và cat nét ngây thơ của một vài đứa trẻ tội nghiệp. Họ đều là những người trí thức, nhưng bị buộc nhận tội như ăn trộm, làm gián điệp cho CIA, hoặc gia đình có người làm gián điệp, có người phản quốc… được đưa đến đây để đi hành quyết.Trong phòng cuối cùng của bào tàng còn lưu lại rất nhiều chiếc hộp sọ của nạn nhân.
Đi qua những quá khứ tang thương, ngày nay, Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến đây tham quan, tìm hiểu về những trang sử được viết bằng máu của người dân Campuchia, chứng kiến những tội ác của chế độ Khmer Đỏ và thán phục trước sự kiên định, đầy nghị lực của nhân dân Campuchia trong những tháng ngày tối tăm ấy.